top of page
Writer's pictureTừ Đọc Đến Viết

[Review sách] Tazaki Tsuzuku không màu và những năm tháng hành hương



Thời gian và sự cô độc có thể là thứ chất độc bào mòn con người ta ghê gớm. Đó là những cảm xúc cứ chập chờn trong mình từ lúc đọc xong Tazaki Tsuzuku không màu và những năm tháng hành hương. Dù được cảnh báo trước là cuốn này sẽ rất buồn và u ám, nhất là trong cái thời tiết xám đặc và sự bí bách của thực tại. Nhưng nói sao nhỉ, chính bởi vì đã ra quyết định là đọc cuốn này mà không có bất kỳ sự lăn tăn nào về mặt cảm xúc cũng như lý trí nên mình lao vào đọc nó. Quyết định của bản thân với một vấn đề có vẻ chẳng ảnh hưởng đến ai là thứ tự do mà ai cũng có và chẳng ai có thể tước đi ngoài chính mình. Thế nên chẳng tội gì mà không nhất nhất thực hiện sự độc đoán ấy cả. Đấy đọc xong sách của Haruki Murakami cảm xúc bỗng nhiên trần trụi, thông suốt.


Sống xa nhà, lo toan cuộc sống mưu sinh, có lẽ ai trong chúng ta cũng cố gắng bám vào một điều gì đó, một nơi chốn nào đó để tìm về. Nơi chốn ấy có thể không phải là một thứ gì có hình thù, được hiện hữu. “Nơi chốn” có đôi khi là những khoảng thời gian, là một gói cảm xúc đầy gam màu tươi sáng. Tsukuru có lẽ cũng luôn đi tìm một nơi như vậy để trở về. Chính vì thế, dù có rời xa nhóm bạn hồi cấp 3 lên Tokyo học, rời xa tổng thể hài hoà, với những ký ức đầy tươi sáng, thuần khiết, Tsukuru vẫn luôn sống để trở về với nơi có những người bạn của mình. Chẳng cần phải mất công, hay cố gắng làm bạn với ai cả vì Tsukuru đã có những người bạn của riêng mình. Tsukuru hài lòng với tổng thể hài hoà thống nhất ấy.


Tsukuru không màu, Tsukuru chẳng mang màu sắc hay cá tính nào trong 4 màu sắc còn lại, trong nhóm 5 người bạn của Tsukuru. Thứ duy nhất khiến Tsukuru cảm thấy phù hợp với tổng thể của cả nhóm ấy là nhà cậu là một gia đình khá giả. Ấy là Tsukuru nghĩ vậy. Chắn hẳn ai trong đời này cũng như Tsukuru cố gắng tìm cho mình một cá tính, một giá trị nào đó để lấp đầy sự trống rỗng và cô độc bên trong. Đột nhiên một ngày, tất cả những thứ tươi đẹp ấy vụt mất, tổng thể hài hoà bị phá vỡ. Tất cả những gì cậu có đột nhiên bị cắt đứt. Tổng thể hài hoà trở nên méo mó. Nguyên nhân sự méo mó ấy lại từ chính Tsukuru mà ra.


Bản thân Tsukuru chẳng muốn biết lý do vì cậu sợ rằng nếu biết lý do ấy sẽ càng đau khổ, trống rỗng hơn. Như thể không màu còn nhạt hơn. Rồi cậu tự mình bơi tronng đại dương tăm tối ấy. 5 tháng trời kể từ ngày bị bỏ rơi cậu chỉ tập trung nghĩ về cái chết. Chỉ bởi vì cậu chẳng có thể nghĩ được điều gì khác. Đây cũng là đoạn mình cảm thấy u uất, khó đọc nhất trong cả cuốn sách. Tuy nhiên, bằng một cách nào đó cậu vượt qua và có một người bạn mới.


Nhưng để làm gì cơ chứ. Tsukuru lại tự nhủ: “Xét cho cùng, có lẽ mình phải chịu một số phận cô độc. Tsukuru không thể gạt ý nghĩ đó ra khỏi đầu. Mọi người đến bên gã, rồi chẳng bao lâu lại rời bỏ gã. Dường như họ tìm kiếm điều gì đó bên trong, nhưng không thấy, hoặc thấy nhưng không vừa lòng, nên chán chường (hoặc thất vọng, rồi giận) mà bỏ đi. Bỗng một ngày, họ đột nhiên mất dạng, không giải thích, thậm chí cũng không một lời giải thích cho phải phép. Như thể đang tâm chặt phăng sợi dây mà dòng máu nóng vẫn đang chảy và mạch vẫn còn khe khẽ đập bằng một con rựa sắc bén, vô tâm.”

Sự hoài nghi gặm nhấm chính bản thể của Tsukuru: “Chắc chắn ở mình có một thứ gì đó, một thứ mấu chốt, khiến người khác thất vọng. Tazaki Tsukuru thiếu màu sắc, gã bật lên thành tiếng. Rốt cuộc mình chẳng có gì để cho người khác. Không, nếu nói vậy thì thậm chí ngay cả để cho chính mình cũng không có.”


Nhưng rồi trong những năm tháng hành hương của cuộc đời mình, cậu cũng vượt qua mọi sự và sống tiếp những ngày tháng không màu. Chính cậu đã tìm ra lời giải đáp khi bắt đầu mở lòng và đi tìm sự giải thoát cũng là câu trả lời cho câu hỏi năm xưa.


Cuộc hành hương ấy không phải để cậu tìm ra một màu sắc nào khác của mình, mà để tìm ra ý nghĩa của sự không màu. Sự không màu khiến cho mọi thứ trở nên hài hoà, tạo nên một tổng thể thống nhất. Không cần mang đậm một màu sắc cá tính nào đó nhưng lại khiến cho người khác cảm thấy yên tâm. Và khi đã chấp nhận được bản thể không màu ấy dưới một góc nhìn tươi sáng hơn, Tsukuru dần tìm ra câu trả lời cho cuộc hành hương của mình. Cậu mạnh mẽ hơn mình nghĩ, và vì thế cậu là người được chọn để có thể một mình vượt đại dương trong đêm tối. Như thể những năm tháng hành hương đã được sắp đặt từ trước, vào một thời điểm nào đó trong đời để Tsukuru đi tìm ý nghĩa cho sự không màu của mình.


Đọc Tazaki Tsuzuku không màu và những năm tháng hành hương, nửa cảm xúc u ám bắt đầu khuấy động bên trong mình. Dù cố gắng không chia cảm xúc như hệ nhị phân mà Tsukuru có nhắc đến, nhưng đúng là mình đang cảm thấy độc màu xám không. Có lẽ chính mình cũng đang nuối tiếc những ngày xưa êm đềm, sự ngây dại vốn chỉ còn lăn tăn gợn sóng, và sự bấu víu vào một thứ gì đó ngoài bản thân. Nhưng mình luôn tin rằng bản thân cũng là người có thể tự mình vượt qua đại dương mênh mông tăm tối. Chừng nào niềm tin ấy vẫn còn thì cuộc hành hương của mình sẽ vẫn tiếp tục, rồi tạo ra những ý nghĩa cuộc đời. Như trong tư tưởng của tâm lý học Adler có nói: “Cuộc đời vốn không có ý nghĩa, cho đến khi ta tạo ra ý nghĩa của cuộc đời mình”.


Mình có video review sách hàng tuần tại đây, các bạn SUBSCRIBE để xem video mới nhé: https://www.youtube.com/watch?v=opsrcEH4MAM&t=143s

63 views0 comments

Recent Posts

See All

Commenti


bottom of page