Hôm lâu mình có đăng một bài về cách tạo web của riêng mình, sau đó cũng có nhiều bạn inb và comment hỏi mình cách làm chi tiết. Nhưng mình trả lời xong thì không thấy bạn hỏi tiếp nữa, không biết các bạn đã tạo được chưa. Vì mình đã quen với việc viết bài và sửa web wordpress rồi nên việc tạo blog trên wix không quá khó với mình, nhưng có thể các bạn mới thì chưa quen. Tuy nhiên, bài viết này mình viết với mục đích chia sẻ lại những điều mình đã chuẩn bị trước khi bắt đầu tạo blog. Mình nghĩ việc tạo blog chỉ cần bạn nghiên cứu chút thì có thể làm được, nhưng việc duy trì để blog sống, “sống” ở đây là bạn có thường xuyên viết bài để đăng trên blog được không.
Trước tiên là sơ qua một chút về quá trình luyện bàn phím của mình:
Như mình cũng có viết trên blog, việc viết lách làm mình cảm thấy tự do và hạnh phúc khi viết. Trước đây mình viết nhật ký như một cách để gọi tên cảm xúc và chia sẻ cảm xúc với chính mình. Chính nhờ những năm tháng tự mình viết ra những cảm xúc và trải nghiệm của bản thân đã khiến mình chân trọng và hiểu mình hơn. Mình cũng bắt đầu viết nhiều hơn mỗi khi đọc xong một cuốn sách. Sau đó mình có tham gia một dự án về ứng dụng công nghệ cho mượn và chia sẻ sách tên là GAT, đến đây lần đầu tiên mình được viết về nhiều thứ hơn là chỉ bó gọn trong phạm vi cảm xúc của bản thân. Mình viết nhiều loại content khác nhau, trong đó có cả content mang tính sáng tạo. Nhờ những trải nghiệm thời sinh viên này mà sau này mình đã làm những công việc liên quan đến content và marketing. Tất cả những trải nghiệm viết này của mình được nuôi dưỡng và giúp mình trở thành người viết thường xuyên như bây giờ.
Vậy giờ mình sẽ đi vào phần chính của bài viết:
Mục tiêu bạn viết là gì?
Với mình ngoài việc thích viết là ưu tiên hàng đầu, thì mình cũng viết như một cách để phát triển bản thân và tìm ra cái mình muốn làm. Đặc biệt gần đây, khi tham gia thêm vào các group về viết lách, mình có nhiều động lực hơn khi các bài viết được mọi người đón nhận.
Trước đây mình hay lo sợ về việc mình chưa đủ giỏi nên chưa thể viết được. Nhưng mình đã thay đổi cách nghĩ rằng ai cũng có những trải nghiệm riêng về công việc, cuộc sống… Và vì ai cũng phải trải qua thời kỳ từ khi mới bắt đầu cho đến khi trở nên chuyên nghiệp. Chính vì thế, mình bắt đầu viết nhiều hơn chia sẻ về những kinh nghiệm mình có và những điều đã giúp mình vượt qua khó khăn.
Hơn hết, mình có một mong ước rằng mình có thể có thêm một nguồn thu nhập từ viết lách, có thể tương lai còn hơi xa, nhưng đó cũng là mục tiêu của mình. Vì thế trước khi tạo blog thì bạn hãy suy nghĩ về điều này nhé, mình nghĩ tìm ra mục tiêu viết sẽ giúp bạn giữ vững tinh thần hơn.
Bạn sẽ viết những gì?
Đây là câu hỏi mình cũng đã băn khoăn nhiều, và đã khiến mình phải sửa tên các chuyên mục trong blog của mình vài lần. Với blog cá nhân, mình đặt ra ba tiêu chí chính khi viết: viết những gì mình thích, viết những gì mình cảm thấy có ích, viết những gì mình đã trải qua. Việc viết những gì mình thích và mình đã trải qua, sẽ giúp mình yêu việc viết lách hơn. Viết những gì mình cảm thấy có ích, việc này khiến bản thân mình có kỷ luật và nghiêm túc hơn với việc viết lách. Vì mình không chỉ viết vì phục vụ sở thích cá nhân mà còn chia sẻ lại những kinh nghiệm và trải nghiệm, nên mình chỉnh sửa câu chữ nhiều hơn, cũng như chắt lọc ý kỹ càng hơn.
Hiện tại, mình viết về những cuốn sách mình đã đọc, về những trải nghiệm của mình trong công việc, cuộc sống, kinh nghiệm mình có trong khi làm việc.
Tự đặt lịch lên bài cho chính mình?
Việc xác định được mục tiêu và những gì bạn sẽ viết mới chỉ là bước đầu, vì tất cả chỉ có thể thành hiện thực khi bạn bắt tay vào làm. Hãy xác định khoảng thời gian bạn có thể có một bài viết mới, ví dụ bạn muốn một tháng bạn có 4 bài chẳng hạn. Sau khi xác định số lượng hãy phân bổ số bài vào từng chuyên mục. Giả sử mỗi tháng bạn đọc 2 cuốn sách vậy thì bạn đã có ít nhất 2 bài viết cho chuyên mục về sách, 2 bài còn lại cho chuyên mục kinh nghiệm thì bạn sẽ viết về kinh nghiệm gì, có cần phải chuẩn bị gì để viết bài viết về kinh nghiệm không, như là video kèm theo, hoặc ảnh kèm theo…
Bạn đã viết được bao nhiêu rồi?
Sau đã xong 3 phần trên rồi, bạn hãy xem lại xem mình đã có khoảng bao nhiêu bài viết tâm đắc để có thể đăng lên blog của mình rồi. Nếu bạn mới có một bài thì bạn vẫn có thể đăng lên, tuy nhiên như vậy blog của bạn nhìn sẽ rất “cô quạnh” và nếu sau khi đọc xong một bài đó thì bạn không có cách nào để giữ chân người đọc cả. Vì vậy, trước khi bắt đầu chia sẻ về blog thì bạn hãy thêm các “món ăn” cho blog của mình nhé. Với mỗi chuyên mục bạn có thể thêm 3 bài viết để người đọc có thể đọc tiếp các bài viết tiếp theo nữa.
Nếu các bạn đã sẵn sàng để tạo blog của riêng mình rồi thì có thể subcribe channel này của mình để xem hướng dẫn nhé: https://www.youtube.com/watch?v=GS_8isk-CFw&feature=youtu.be
Comments