Những điều bình dị hàng ngày, đơn giản nhưng đến một ngày nào đó, bạn sẽ nhận ra nó thật quan trọng.
Đó là những cảm nhận đầu tiên của tôi về Một lít nước mắt. Đó là mở đầu cho những điều kỳ diệu nơi Kito Aya. Một “bé Aya” đầy ước mơ, tình yêu thương, can đảm, nhưng chính sự nỗ lực không ngưng nghỉ nơi em lại khiến tôi vừa thương vừa khâm phục em, thật nhiều.
Aya làm tôi liên tưởng đến Anna Frank, dù sống trong nghịch cảnh nhưng cả hai người anh hùng đều không chấp nhận số phận, không đổ lỗi cho cuộc đời, các em luôn khát khao và cố gắng từng chút. Hai cô gái rất ham hiểu biết, thích đọc sách. Như Aya trong một lần thăm quan bảo tàng ở Hiroshima có viết: “Thế hệ mình không biết gì về chiến tranh. Nhưng nói vậy không có nghĩa là ta có thể quay lưng thờ ơ với chiến tranh. Dù cho không muốn nhắc đến, nhưng ta vẫn phải thừa nhận rằng, trên thành phố Hiroshima, ngay tại Nhật Bản này, vì bom đạn mà biết bao nhiêu con người vô tội đã bỏ mạng. Ta không nên lặp lại tình trạng bi thảm này thêm lần nữa. Mình cho rằng, thực hiện lời thề đó chính là cách tưởng niệm hòa bình sâu sắc nhất.” Tôi đã rất ấn tượng với câu nói cuối cùng này của Aya.
Aya mang trong mình một căn bệnh lạ không cách nào chữa khỏi, căn bệnh quái ác làm em hao mòn từng ngày. Nhưng trước nỗi đau của mình em dũng cảm đối mặt. Nếu là một người bình thường có lẽ khi nghe những lời bác sĩ nói về căn bệnh của mình, đã từ bỏ hi vọng và phó mặc cho số phận từ lâu, nhưng em là Aya, một cô bé dũng cảm với nghị lực phi thường: “Đến một nào đó cháu sẽ thấy tình trạng sức khỏe chỉ có tệ đi mà thôi, bênh của cháu không thể khá hơn được đâu. Cách đối phó duy nhất là làm cho quá trình tiến triển của bệnh châm dần lại. Cháu cần phải khổ luyện liên tục nhằm kích thích cho não hoạt động.”
“Mình vô cùng đau đớn khi nghe bác sĩ nói vậy. Nhưng mình vẫn cảm ơn bác sĩ vì đã cho biết sự thật về căn bệnh của mình. Trong tương lai mình phải sống như thế nào đây? Con đường phía trước dường như đang hẹp dần. Nó ngày một trở nên hiểm trở. Nhưng dù thế mình cũng vẫn phải hướng về tương lai mà sống. Mình không được chùn bước.”
Đôi lúc tôi thấy thương em vô cùng, em càng cố gắng bao nhiêu, tôi càng thương Aya bấy nhiêu. Em đã phải một mình tự làm bao nhiêu thứ, tự phải chống chọi với căn bệnh KHÔNG HI VỌNG. Chỉ còn có một chút sức lực Aya cũng cố gắng giúp mẹ và không làm phiền mọi người nhiều nhất có thể. Nếu bình thường, khi mang trong mình căn bệnh như vậy và sống dưới ánh mắt thương hại, đối xử tệ, người bệnh có lẽ đã mất hết đi tình yêu thương và trở nên khó chịu, căm ghét mọi người. Đấy đâu phải lỗi của họ, đâu ai muốn bị bệnh, lại càng không phải lỗi của Aya. Rũ bỏ mọi tức giận, mọi oán thán, em vẫn luôn tươi cười, yêu thương và trân trọng những người đã bên cạnh Aya.
Bác sĩ, các chị y tá và những bạn cùng phòng, Aya cám ơn mọi người rất nhiều! Có thể khi nào đó Aya lại cần tới sự giúp đỡ của mọi người. Lúc đó mong mọi người vẫn tận tình với Aya như bây giờ.
Hơn hết, tôi vô cùng cảm động trước tình yêu thương của Aya dành cho mẹ và của mẹ đối với Aya. Tôi chưa từng thấy được tình mẫu tử mãnh liệt như vậy trong bất kỳ cuốn sách nào trước đây. Mẹ Aya luôn nghiêm khắc với Aya, nhưng bà cũng là người duy nhất vẫn coi Aya là một bình thường, một Aya tự do và có thể làm được mọi việc trong khả năng của em. Có lẽ chính sự nghiêm khắc đi cùng với tình yêu thương của mẹ đã truyền thông cho Aya thật nhiều sức mạnh, giúp Aya kiên cường và nghị lực biết chừng nào.
Từ cách Aya chống chọi với căn bệnh, cách Aya quan tâm đến mọi người xung quanh, từ những gì em đã cố gắng để viết ra, sẽ là nguồn động viên vô giá với rất nhiều người bệnh khác. Sẽ là niềm tin và sự trân trọng cuộc sống. Tôi đã học được từ Aya thật nhiều.
Comments