top of page

[Review sách] Ăn gì cho không độc hại - Cuốn sách thay đổi tư duy ăn uống

Updated: Apr 16, 2020



Đây là cuốn sách thay đổi tư duy của mình về việc ăn uống. Mình muốn đặt nó là “cuốn sách kinh thánh cho ăn uống” nhưng vì chưa đọc nhiều sách về ăn uống và dinh dưỡng nên tên này có vẻ không chuẩn. Mình viết bài review này với mong muốn sẽ khơi dậy ý muốn đọc cuốn sách này của bạn, vì thực sự nó có quá nhiều thông tin hay và bài viết của mình thì chỉ có thể chỉ ra một phần nào đó thôi.

Những ai nên đọc cuốn sách này, về cơ bản mình nghĩ TẤT CẢ những ai quan tâm đến sức khoẻ, ăn uống, dinh dưỡng và muốn có một cơ thể khoẻ mạnh nên đọc cuốn sách này. Tuy nhiên, mình khuyên chân thành là những người sau đây chắc chắn nên đọc cuốn sách này:

  • Người bị các bệnh mãn tính (bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh huyết áp là những bệnh được nhắc nhiều trong sách,… và nhiều bệnh mãn tính khác)

  • Người ăn chay, thuần chay, ăn chay trường

  • Người cần chế độ dinh dưỡng đặc biệt hơn người bình thường: mẹ bầu, em bé, trẻ con,…(vì em bé chưa đọc được nên ở đây sẽ là bố mẹ nha^^ đừng ai bắt bẻ mình, đùa thôi)


Vì sao vậy? Để có chế độ ăn phù hợp, không bị thiếu hoặc thừa chất. (Mình sẽ phân tích kỹ hơn về phần này ở video review tiếp theo nha, mọi người nhớ đón xem nghen)

Điều khiến mình thích nhất ở cuốn sách này chính là tính khách quan của nó, tất nhiên chẳng có cuốn sách nào là khách quan hoàn toàn, nhưng nếu người viết đặt điều đó là ưu tiên thì mình thấy rất đáng trân trọng. Nếu bạn nào đã đọc Home Deus (cuốn sách rất nổi tiếng trên thế giới và Việt Nam) mà chuyển sang đọc “Ăn gì cho không độc hại” thì sẽ thấy có nhiều điểm tương đồng. Tác giả của cuốn sách - chị Pha Lê - hẳn phải đầu tư rất rất nhiều tâm sức cho cuốn này, vì mỗi chương, mỗi câu chuyện đưa ra đều dựa trên nghiên cứu và dữ kiện lịch sử rõ ràng. Như tác giả đã nói, tác giả không cố gắng thay đổi ai, chính vì thế chị ấy cũng không cố gắng chỉ ra là nên ăn cái gì thì tốt, ăn cái gì thì không tốt. Dù sử dụng nhiều nguyên cứu cũng như có kiến thức sâu rộng về sự tương quan giữa địa lý, lịch sử của loài người, khoa học…thì cách viết của chị cũng rất dễ hiểu và thu hút. Mình rất thích cách viết này, vừa có chất văn riêng lại vừa cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho người đọc như là chị đang kể một câu chuyện về dinh dưỡng vậy. Bạn nào mà thích “ăn xổi” hay đọc các bài báo kiểu “ăn socola tốt”, “uống sữa đậu nành bị nữ tính”, hay là “ăn nhiều cái này thì tốt, ăn nhiều cái kia thì hại” chắc chắn sẽ thay đổi cách nhìn sau khi đọc cuốn sách này.


Đọc sách nhiều có một thứ mà mình rất để tâm đó là cách hành văn và dùng từ. Như đã nói ở trên thì, văn phong của chị quyết liệt và mạnh mẽ, cũng thể hiện rõ quan điểm “không cố gắng thay đổi ai” vào từng câu văn. Thứ hai là từ ngữ, chị dùng nhiều cách ẩn dụ, so sánh và nhân hoá, nhưng lại dễ hiểu, dí dỏm và gây cười. Mình nghĩ ít có nhà văn nào có thể viết sách về khoa học thường thức, hay cung cấp nhiều kiến thức mà lại có thể khéo léo gây cười như chị Pha Lê. Ví dụ như chị có sử dụng tiêu đề “Hạt bắp báo thù” để kể câu chuyện về lịch sử của bắp ngô, trong đó có đề cập tại sao người Việt gọi Bắp là Ngô, một cách nhân hoá gợi cười.

Cuốn sách cũng đưa ra nhiều thông tin thú vị về lịch sử ăn uống của con người từ thời đồ đá.

Sự ảnh hưởng của văn hoá, địa lý, tôn giáo đến ăn uống và dinh dưỡng.

Hay những ví dụ cụ thể như tại sao ăn đồ dầu mỡ chiên với nhiệt độ cao lại không tốt cho sức khoẻ (chỉ biết thôi chưa đủ, cần hiểu vì sao sẽ giúp bạn có cách ăn uống tốt hơn).

Tại sao người già lại dễ bị loãng xương dù có bổ sung canxi đầy đủ.

Đến những kiến thức về môi trường liên quan đến ăn uống, có thực sự ăn chay thì bảo vệ môi trường hơn là ăn thịt không.

Đọc xong cuốn sách này mình nhận ra một điều, bạn có một cuốn sách yêu thích nhất cho đến khi bạn tìm thấy cuốn sách yêu thích hơn. Đây là một trong những cuốn sách như vậy, mình sẽ đưa cuốn này vào list 3 cuốn sách yêu thích nhất của mình.


Bạn nào muốn hiểu đầy đủ hơn về cuốn sách này nhớ subscribe youtube của mình nhé, mình sẽ đăng video vào 8h tối thứ 3 và thứ 6 hàng tuần: youtube.com/channel/UCethxsxAxkwDr-m1S1kiRUA

86 views0 comments
bottom of page