*Spoil*
Cái phận “Bỉ vỏ” - phận người đàn bà gắn liền với nghề trộm cắp đến với Bính vốn chẳng phải lẽ dĩ nhiên.
Một cô gái nhà quê phải lòng “tham” Chung mà lỡ bụng mang dạ chửa, cả làng dè bỉu, bố mẹ chửi rửa thì cũng chẳng thể nào sống nổi tại nơi vốn được gọi là quê hương ấy. Thế nhưng cái phận Bính dù có dứt chân rời làng đã đóng khuôn một cái kết vốn sẽ gắn chặt với quá khứ Bính bỏ lại phía sau. Rời quê ra phố Bính vẫn tin rằng “tham” Chung kia hẳn vẫn còn thương mình. Chính vì cái sự ngây dại ấy mà Bính bị tiếng đĩ, bị vào nhà lao rồi trở thành “bỉ” chuyên phục vụ đàn ông. Bính lại rơi vào cảnh héo hon thể xác, khô kiệt tâm hồn. Rồi Năm Sài Gòn - vốn là dân vỏ tại đất cảng Hải Phòng phải lòng Bính, một “bỉ” đẹp và thấp hèn như Năm Sài Gòn. Được Năm Sài Gòn ngỏ lời Bính như chìm trong bùn lầy với được cọc, vội vàng tóm lấy mà chẳng màng trời trăng gì. Trong lúc cùng quẫn nhất, Năm Sài Gòn đến với Bính, yêu thương Bính, cũng bởi vì đây đời Bính sẽ gắn với Năm Sài Gòn cho đến lúc chết như Bính thầm nghĩ:
Tấm lòng tốt chan chứa yêu thương của Năm sẽ giữ nàng ở với Năm cho tới ngày trọn đời.
Cái số kiếp của Bính dù có được sướng, được yêu thì cũng chẳng yên, vì tâm còn dằn vặt, còn bám vào cả một thời quá khứ, về đứa con Bính bỏ lại phía sau. Tất thảy mọi chuyện xảy ra với người, Bính đều cho tại mình. Nên dù có bao lần từ bỏ quá khứ nhem nhuốc phía sau thì Bính cũng chẳng thoát được cảnh vì người, vì cái danh tiếng mà Bính cố níu giữ dù từ lâu đã chẳng còn. Cả đời Bính bị người ta dè bỉu chửi rủa nên Bính khao khát lắm được người ta mang ơn mình. Bính sẵn sàng bỏ kiếp mưu sinh túng thiếu nhưng nhẹ lòng để làm lẽ người ta rồi cứu bố mẹ mình.
Đã nửa tháng nay, Bính lại trở về với cuộc sống sinh hoạt của những người gồng thuê gánh mướn. Trước mắt Bính, cái cảnh đời tay làm hàm nhai, dù vất vả, lam lũ, lại sáng lên, rực rỡ khác thường.
Ấy thế tưởng được êm xuôi, tưởng chừng kiếp người lang thang túng quẫn đã dời bỏ Bính, thì Bính lại một lần nữa vì nỗi vấn vương quá khứ, với cái tình thương nghèo nàn mà Năm Sài Gòn giành cho Bính, mà quay lại đời trộm cắp. Dẫu chăng có lẽ chỉ vì Bính nghĩ đến tình cảnh mình năm xưa được Năm Sài Gòn yêu thương cưới về. Nghĩ đến cứu Năm Sài Gòn để được quay về lại cái thời có người yêu thương Bính.
Cái lựa chọn đời Bính qua hết lần này đến lần khác chỉ đợi đến ngày tai hoạ thực sự ập đến, như Bính chứng kiến Năm Sài Gòn ra tay giết chết người anh em. Vẻ mặt lúc chết của hắn đã báo chết một cái kết không thể bình an cho Bính. Nhưng ai ngờ đâu, Bính có ngờ đâu, đời mình lại kết thúc trong cay đắng đến thế. “Thế là hết” là đời Bính đã hết, là tình nghĩa với Năm Sài Gòn đã cạn, là dù có chết hay có sống thì tâm Bính cũng cay đắng khôn nguôi.
Comments