Có một lần tôi nghe một người Mỹ nói, một người Mỹ khác đã mỉa mai rằng: “Giấc mơ Mỹ (American Dream) chỉ có thể nhìn thấy được khi ngủ”. Khi tôi đọc xong Gatsby câu nói này lại bỗng nhiên xuất hiện trong đầu. Dù phải nói rằng đây là một cuốn sách khó đọc, bởi nó mang quá nhiều ẩn dụ và tinh thần của một thế kỷ trước, cũng đã không ít đoạn tôi phải đọc đi đọc lại chỉ để thực sự nắm được ý mình đang đọc. Nhưng khi đọc xong những lời của Trịnh Lữ bộc bạch về chính tác giả và cốt cách lấp ló ẩn hiện của một danh tác phía sau cái tên Đại gia Gatsby thì tôi nghĩ khó có bản dịch nào có thể thể hiện chính xác hơn nữa về Đại gia Gatsby.
Tôi rất thích cách chuyển ngữ của tác giả cho The Great Gatsby là Đại gia Gatsby, đó cũng là suy nghĩ của tôi khi đọc cuốn sách này: Rốt cuộc The Great trước từ Gatsby ở đây nên được hiểu như thế nào. Và việc chuyển ngữ The Great Gatsby thành Đại gia Gatsby theo tôi là đưa người đọc vào một sự suy tư nhiều hơn về bối cảnh, về thời đại và về những con người như Gatsby vào “Thời đại Jazz”. Nó đưa câu chuyện trở thành một bức màn bí ẩn và hư ảo về cuộc đời cũng như nhân cách của Gatsby, mà chính người dẫn chuyện vẫn luôn tự hỏi. Và hỡi ơi, may sao cái tiêu đề của chuyện là Đại gia Gatsby chứ chẳng phải Gatsby vĩ đại, vì có lẽ vào cái thời mà tiền bạc không trở thành một thứ khiến cho con người ta trở nên vĩ đại như hai thập niên đầu của thế kỉ 21 thì cái tên Đại gia nó trung lập và hợp thời hơn nhiều.
Xuyên suốt câu chuyện, ngoài bối cảnh ly kỳ và cái thực tế trần trụi, trống rỗng của thời đại, đồng tiền lên ngôi và sự suy đồi của đạo đức, thì những suy tư của chính người kể chuyện kéo ta lại tránh xa cái thói đời phù phiếm, vật chất ấy. Cũng chính nhờ người kể chuyện mà Gatsby ngoài sự giàu có và những lời đồn thổi, thì người đọc cũng được chứng kiến một Gatsby khác, một Gatsby với sự lúng túng khi lần đầu gặp lại Daisy, một Gatsby cô đơn trước dinh thự vắng bóng tiệc tùng, và một Gatsby cũng không nằm ngoài những ám ảnh của thời đại. Cuộc đời Gatsby là biểu trưng mạnh mẽ cho khát khao và tinh thần của Mỹ quốc những thập niên đầu thế kỷ 20. Đối diện với đỉnh cao của tiền bạc, sự phụ thuộc vào đồng tiền, tiêu chuẩn đạo đức bị tiền chi phối, sự mất cân bằng của một xã hội đề cao vật chất, cũng suy tàn nhanh và quạnh quẽ như chính cuộc đời Gatsby.
Ban đầu tôi không ưa Daisy, nhưng cho đến cuối cùng thì tôi nghĩ nhân vật này chẳng có gì đáng để nói đến. Có chăng thì chỉ được nói đến qua Gatsby và tôi nghĩ đoạn văn nhiêu đây là đủ để nói về mối tình này: “Khi ra chỗ hai người chào tạm biệt, tôi thấy cái vẻ kinh ngạc ngẩn ngơ đã lại ở trên mặt Gatsby, như thể ông bỗng thoáng thấy nghi ngờ không biết niềm hạnh phúc hiện tại của mình là thật hay giả. Gần 10 năm trời còn gì! Chắc hẳn có những lúc ngay ở chiều hôm đó Daisy đã không đúng như ông vẫn mơ tưởng - không phải nó có lỗi gì, mà chỉ là vì ảo mộng của ông sinh động khủng khiếp quá. Nó vượt quá cả Daisy, vượt quá mọi thứ. Ông đã quăng mình vào nó với một say đắm đầy sáng tạo, lúc nào cũng trang hoàng thêm thắt, chẳng bỏ sót dù chỉ một vẩy lông chim sặc sỡ tình cờ vương trên lối ông đi. Thật là không có lửa nào đủ nóng, cũng chẳng tươi mới nào đủ nồng so với những ám ảnh chứa chất trong lòng một kẻ nam nhi.”
Đứng trước bức tranh lớn về thời đại như Đại gia Gatsby có lẽ tôi cũng chỉ có thể nói được bấy nhiêu đây, còn về văn phong có lẽ cần đọc nhiều hơn những mảnh ghép cùng thời khác để có thể yêu cách hành văn của Fitzgerald (hoặc có thể là cách dịch). Dù sao tôi cũng rất trân trọng bản dịch của Trịnh Lữ vì tôi có tham khảo các bản dịch khác và ngôn từ cũng như cách diễn đạt của ông ấn tượng hơn rất nhiều.
Comentarios